Rolls-Royce Silver Ghost là tên gọi dùng để chỉ một loạt xe được sản xuất từ năm 1906 đến năm 1926. Đây là một trong những chiếc xe đầu tiên của Rolls-Royce và được ca ngợi là chiếc xe tốt nhất thế giới. Cùng Thế giới Rolls-Royce tìm hiểu về huyền thoại “Bóng ma bạc” này.
Rolls-Royce Silver Ghost – Sự ra đời của huyền thoại
Vào năm 1907, Silver Ghost được đặc biệt chế tạo để giới thiệu mẫu xe Rolls-Royce sáu xi-lanh công suất 40/50 mã lực mới của hãng xe này. Tuy nhiên, cũng nhờ vào mẫu xe này, Rolls-Royce đã tạo nên danh tiếng về độ tin cậy và kỹ thuật xuất sắc.
Ban đầu, Silver Ghost có tên là 40/50, được trưng bày tại Olympia Motor Show 1906 đã thu hút được nhiều sự quan tâm và bình luận ủng hộ. Giám đốc điều hành Rolls-Royce, Claude Johnson thấy rằng mặc dù mẫu xe mới có chất lượng tuyệt vời, nhưng chiếc xe cần phải được đưa ra công chúng rộng rãi hơn để tạo nên sự thành công và danh tiếng của Rolls-Royce Ltd.
Bốn chiếc ô tô động cơ 40/50 đầu tiên được sản xuất tại Cooke Street, Manchester bắt đầu từ đầu năm 1907, để chuẩn bị cho Olympia và triển lãm Paris diễn ra sau đó. Khung gầm thứ năm được đánh số 60544 và vì một số lý do mà 60543 không bao giờ được chế tạo.
1. Tên gọi Rolls-Royce Silver Ghost
Vào ngày 6 tháng 3 năm 1907, Claude Johnson đã chọn khung gầm thứ 12, 60551, với chiều dài cơ sở ngắn 135 inch (3.429 mm) làm phương tiện cá nhân của mình và đặt hàng Roi des Belges từ Barker & Co. để sản xuất thân xe. Khung xe được sơn màu bạc, vải bọc bằng da màu xanh lá cây, đèn và các phụ kiện bên ngoài khác cũng được mạ bạc. Tại thời điểm đó, giá của khung xe là 110 – 140 Euro và thân xe là 950 Euro.
Đó là một chiếc xe nổi bật, sang trọng và Claude Johnson đã gọi chiếc xe là Silver Ghost, bởi vì vẻ ngoại “extraordinary stealthiness” (tạm dịch: sự rón rén phi thường). Tên xe được khắc lên một tấm bảng đại diện ở bên hông xe.
Sau này với sự xuất hiện của New Phantom 40/50 mã lực vào năm 1925, các mẫu xe 40/50 mã lực trước đó được gọi là Silver Ghosts để tránh nhầm lẫn, tuy nhiên chỉ có chiếc xe của Claude Johnson, mang khung gầm số 60551, được đăng ký với biển AX 201.
2. Chiếc xe tốt nhất thế giới
Claude Johnson muốn chứng minh chiếc Rolls-Royce Silver Ghost của ông là chiếc xe tốt nhất thế giới, do đó ông đã tiến hành một loạt các cuộc kiểm tra. Hồ sơ lưu giữ tại “The Sir Henry Royce Memorial Foundation” (tạm dịch: Tổ chức tưởng niệm ngài Henry Royce) cho biết, khung gầm 60551 đã được thử nghiệm trong 80 dặm (khoảng 128 km) bởi Eric Platford vào ngày 13 tháng 4 năm 1907. Những người thử nghiệm cho biết, chiếc xe vận hành cực kỳ êm ái và không gây ra bất cứ tiếng ồn khó chịu nào.
Vào ngày 3 tháng 5, khung gầm 60551 được lái đến Bexhill, sau đó đến phía Bắc Glasgow. Sau đó chiếc xe được lái đến Scotland trước khi quay trở lại London.
Từ ngày 3 đến ngày 14 tháng 5, Silver Ghost đã hoàn thành 2.000 dặm (3.218 km) dưới sự quan sát chính thức, ghi nhận mức tiêu thụ nhiên liệu tốt nhất là 23 mpg (9.78 km/l) cho một đoạn đường. Trên tuyến đường phía bắc, Claude Johnson đã lái 518 dặm (833 km) đến Glasgow chỉ sử dụng bánh răng thứ ba và thứ tư.
Vào thứ sáu, ngày 21 tháng, Silver Ghost đi cùng với những chiếc 40/50 khác do Charles Rolls và Henry Swindley của The Autocar (công ty sản xuất xe thương mại của Mỹ) điều khiển, chở các đại diện báo chí, rời London đến Glasgow và Scottish Reliability Trial. Ngày đầu tiên chạy đến Derby, hôm sau đến Keswick qua Manchester, Matlock, Buxton và The Cat and Fiddle, và chụp những bức ảnh lưu niệm nổi tiếng. Vào 6 giờ chiều ngày chủ nhật, Silver Ghost đã đến được Glasgow mà không có sự cố máy móc nào, tuy nhiên những vết thủng, xây xước ở lốp xe là điều không thể tránh khỏi.
Ngày 24 tháng 6, Silver Ghost thực hiện lộ trình 747 dặm (1202 km) cùng với Câu lạc bộ Ô tô Scotland. Trong hành trình này, Silver Ghost đã gặp một sự cố nhỏ và buộc phải dừng lại khi di chuyển được 629 dặm (khoảng 1012 km). Tuy nhiên đây chỉ là một sự cố nhỏ khi chiếc xe phải đi trên một con đường núi có bề mặt kém, một số đoạn leo dốc. Ngoài sự cố này, Rolls-Royce Silver Ghost đã vận hành liên tục và giành huy chương vàng về tốc độ leo đồi, độ tin cậy động cơ và mức tiêu thụ nhiên liệu, khoảng 17.02 mpg (khoảng 7.24 km/l).
Tuy nhiên kết quả này vẫn không khiến Claude Johnson hài lòng. Vào thứ hai, ngày 1 tháng 7, ông đã lái chiếc xe từ Glasgow đến London với ý định phá kỷ lục thế giới về đường chạy “không ngừng nghỉ”. Tại thời điểm đó “không ngừng nghỉ” có nghĩa là không xuất hiện các vết thủng, không có hư hỏng động cơ hoặc buộc dừng vì các sự cố ngoài ý muốn và không bảo dưỡng giữ chặng. Khi đến London vào thứ ba, ngày 2 tháng 7, Claude Johnson đã hoàn thành 1.603 dặm (2.579 km) trên chiếc Silver Ghost và được bàn giao cho Charles Rolls.
Sau đó, Rolls-Royce đã tổ chức một buổi họp báo tại khách sạn Midland, Manchester vào tối ngày 18 tháng 7 về việc kiểm tra việc phá kỷ lục của chiếc Silver Ghost. Kế hoạch ban đầu là hoàn thành 10.000 dặm (16.093 km) dưới sự quan sát của RAC. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch được nâng lên thành 15.000 dặm (24.140 km).
Vào thứ năm, ngày 8 tháng 8, Rolls-Royce Silver Ghost đã di chuyển từ Glasgow đến London trong 27 lần với quãng đường 14.371 (23.127 km) mà không có hư hỏng về động cơ, ngoại trừ sự cố vòi xăng. Tổng số thời gian mất 40 giờ 13 phút, bao gồm 8 giờ 28 phút để màu các van và 10 giờ 5 phút để bổ sung một vòi nhiên liệu mới.
Sau khi hoàn thành quãng đường, AX 201 được lái thẳng đến garage RAC ở London cho Rolls-Royce Ltd bảo dưỡng. Vào ngày hôm sau, các thành viên của Ủy ban thử nghiệm đã tuyên bố, Rolls-Royce Silver Ghost là một chiếc xe xuất sắc, đặc biệt yên tĩnh, nhất là khi lái trực tiếp ở tốc độ thứ ba và không hề bị rung lắc.
Sau khi tháo dỡ và kiểm tra kỹ lưỡng, không tìm thấy độ hao mòn (được đo bằng micromet) trong động cơ, hộp số, trục sau và phanh. Chi phí để đưa Silver Ghost trở lại trạng thái như mới sau 15.000 dặm chỉ là 28 Euro.
Sau khi thông tin chi tiết về màn thử nghiệm đáng kinh ngạc này, Rolls-Royce Silver Ghost được công nhận là chiếc xe tốt nhất thế giới trong suốt một thời gian dài và trở thành huyền thoại của thương hiệu Rolls-Royce.
Đánh giá chi tiết Rolls-Royce Silver Ghost
Vào năm 1906, Rolls-Royce đã sản xuất bốn khung gầm để trưng bày tại Triển lãm xe hơi tại Olympia, có hai mẫu có sẵn là bốn xi-lanh 20 mã lực và sáu xi-lanh 30 mã lực và hai mẫu thiết kế cho 40/50 mã lực. Tại thời điểm đó, công suất 40/50 mã lực là quá mới nên những chiếc xe được trưng bày chưa hoàn thiện hoàn toàn và không được cung cấp cho báo chí để thử nghiệm cho đến tháng 3 năm 1907.
1. Thông tin cơ bản
Rolls-Royce Silver Ghost | |
Nhà sản xuất | Rolls-Royce Ltd (Anh)
Rolls-Royce của Mỹ (Mỹ) |
Tên gọi khác | 40/50 |
Sản xuất | 1906 – 1926 |
Số lượng được sản xuất | 7.874 |
Loại xe | Xe hạng sang |
Động cơ | 6 xi-lanh thẳng hàng, 7036 cc (1906 – 1910) và 7428 cc (từ 1910) |
Hộp số | Số tay ba tốc độ (1909 – 1913)
Số tay bốn tốc độ (từ 1913) |
Chiều dài cơ sở | 3.442 mm (1906 – 1913)
3.645 mm (1913 – 1923) 3.658 mm và 3.823 mm từ năm 1923 |
Phiên bản kế nhiệm | Phantom I |
2. Cấu trúc
Rolls-Royce Silver Ghost được giới thiệu vào cuối năm 1906 và động cơ 7 lít, sau đó tăng lên 7½ lít. Chiếc xe có động cơ van bên mới, với các xi-lanh được đúc thành hai đơn vị, mỗi đơn vị ba xi-lanh. Những chiếc xe đầu tiên được trang bị hộp số ba tốc độ, sau đó là bốn tốc độ từ năm 1913. Trục khuỷu bảy ổ trục có áp suất bôi trơn và ổ trục chính được chế tạo đặc biệt lớn để loại bỏ các rung động.
Từ năm 1921, hai bugi được trang bị cho mỗi xi lanh với tùy chọn đánh lửa từ trường hoặc cuộn dây cảm ứng. Những chiếc ô tô đầu tiên đã sử dụng cuộn buzz để tạo ra tia lửa điện với một nam châm như một phụ kiện tùy chọn.
Những cải tiến và phát triển liên tục khiến Silver Ghost tăng công suất đầu ra từ 48 mã lực (36 kW) tại 1.250 vòng / phút lên 80 mã lực (60 kW) tại 2.250 vòng / phút. Đèn pha điện được áp dụng, trở thành một tùy chọn vào năm 1914 và được tiêu chuẩn hóa vào năm 1919. Cũng vào năm 1919, khởi động điện được trang bị cùng với đèn điện để thay thế các đèn cũ sử dụng axetylen hoặc dầu.
3. Phiên bản “London to Edinburgh”
Vào năm 1911, phiên bản thể thao của Silver Ghost được giới thiệu và được đặt tên là London to Edinburgh, sau khi một chiếc Rolls-Royce Silver Ghost 1701 đã lập kỷ lục chạy tốc độ tại London – Edinburgh Trial, hoàn thành chuyến đi dài 799 dặm (1.285 km) với tốc độ trung bình 19.59 mph (31.54 km/h), trong khi tốc độ trung bình của những chiếc xe thời đó là 24 mph (10.20 km/h). Vào thời điểm đó, đây là một thành tích ấn tượng thể hệ độ bền bỉ cũng như hiệu suất của Silver Ghost.
Sau cuộc thử nghiệm, tốc độ tối đa của Silver Ghost 1701 là 78.2 mph (125.90 km/h) mà không có bất cứ sửa đổi hoặc nâng cấp nào được thực hiện. Trong một cuộc thử nghiệm khác, Silver Ghost 1701 đã trở thành chiếc Rolls-Royce đầu tiên vượt 100 dặm / giờ (160 km/h) tại đường đua Brooklands ở Surrey, Anh.
Chiếc London to Edinburgh nhẹ hơn và thấp hơn chiếc Silver Ghost tiêu chuẩn, với nắp ca-pô thuôn nhọn. Tuy nhiên, chiếc xe Rolls-Royce này vẫn mang đến những trải nghiệm lái thú vị, với động cơ nhẹ nhàng, êm ái và độ chính xác cao khi điều khiển mà không có bất kỳ mẫu xe nào khác sánh kịp.
Từ năm 1911 đến năm 1913, đã có 188 chiếc London to Edinburgh được sản xuất. Vào năm 1912, Rolls-Royce đã giới thiệu hộp số bốn cấp và sau đó vào năm 1913, hầu hết các mẫu xe của Rolls-Royce đều được trang bị hộp số bốn cấp. Từ cuối năm 1913 trở đi, chiếc xe được gọi là Alpine Eagles hoặc AE, được trang bị khung xe mở nhẹ, lò xo bám đường nhẹ và tay lái thấp hơn.
Những phiên bản thể thao từ cuối năm 1913 được gọi là Speed hoặc Alpine Eagle High Speed, được trang bị các piston nhôm nhẹ hơn.
4. Ngưng sản xuất trong Thế chiến thứ Nhất
Những chiếc Rolls-Royce Silver Ghost bị ngưng sản xuất trong Thế chiến thứ nhất, mặc dù động cơ và khung gầm được sản xuất để sử dụng cho những chiếc xe bọc thép. Một chiếc Silver Ghost 1909 màu xanh lam có tên gọi là Blue Mist, trước đây thuộc sở hữu của một lãnh chúa Ireland, đã được Lawrence of Arabia sử dụng làm xe cá nhân trong Cuộc nổi dậy Ả Rập.
5. Sự ra đời của Rolls-Royce Phantom I
Rolls-Royce Silver Ghost đã có nhiều sự cải tiến và đổi mới để phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng. Tuy nhiên các đối thủ cạnh tranh của Silver Ghost đã vượt trội hơn, khiến doanh số của Silver Ghost tụt giảm từ 742 chiếc năm 1913 xuống còn 430 chiếc năm 1922. Do đó, Rolls-Royce đã quyết định phát triển mẫu xe mới vào năm 1925, được gọi là New Phantom, sau đó là Phantom I. Kể từ đó, những chiếc 40/50 cũ được gọi là Silver Ghost để tránh nhầm lẫn.
Từ năm 1907 đến năm 1926, có tổng cộng 7.874 chiếc Silver Ghost được sản xuất, trong đó có 1701 chiếc được sản xuất tại nhà máy Springfield của Mỹ. Giá xe Rolls-Royce vào năm 1921 tại Mỹ là 11.750 đô la, không bao gồm thân xe (khoảng 170.485 đô la năm 2020).
Tính đến ngày nay, nhiều chiếc Silver Ghost vẫn còn hoạt động bền bỉ, chẳng hạn như chiếc Silver Ghost được trưng bày tại Bảo tàng Mô tô Quốc gia, Beaulieu hoặc chiếc Silver Ghost đầu tiên với số khung AX 201 của Claude Johnson.
Những chiếc Rolls-Royce Silver Ghost cổ hiện nay
Ngày nay, Rolls-Royce Silver Ghost là một trong những chiếc xe Rolls-Royce cổ có giá trị thương mại, lịch sử cũng như sưu tầm cao.
1. Silver Ghost 60511- AX 201 – Chiếc xe cổ đắt nhất thế giới
Rolls-Royce Silver Ghost 60511- AX 201 là chiếc Claude Johnson đã sử dụng trong cuộc thử nghiệm khiến Silver Ghost trở thành chiếc xe tốt nhất thế giới vào năm 1907. Sau cuộc thử nghiệm, Claude Johnson đã đưa The Silver Ghost đến Cornwall vào tháng 9 năm 1907 và tiếp tục trưng bày chiếc xe tại các buổi triển lãm. Vào ngày 14 tháng 7 năm 1908, chiếc xe được bán với giá 750 Euro cho Daniel Hanbury. Chiếc xe đã được đại trùng tu kỹ lưỡng, lớp mạ bạc đã được làm mới và trang bị thân xe khác.
Sau khi thuộc sở hữu của Daniel Hanbury, The Silver Ghost thường xuyên di chuyển đến Ý và Thụy Sỹ với đầy hành lý và lốp xe dự phòng. Việc này khiến chiếc xe bị quá tải cũng như thường xuyên di chuyển trên những con đường gồ ghề đã khiến lò xo bị gãy. Vào năm 1925, khung xe bị nứt khi đang di chuyển đến Ý, sau đó chiếc xe đã được sửa chữa tạm thời.
Vào năm 1945, Daniel Hanbury đã nhờ Rolls-Royce giúp đỡ trong việc cung cấp các bộ phận để đưa chiếc Silver Ghost huyền thoại trở về trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, trước khi đạt được các thỏa thuận, Daniel Hanbury đã qua đời vào ngày 21 tháng 7 năm 1948. Chiếc xe được để lại cho con rể của ông là Air Marshall. Sau đó chiếc xe được đưa đến kho dịch vụ Rolls-Royce London tại Hythe Road vào ngày 24 tháng 10 năm 1948. Một số thay đổi về cơ khí đã được thực hiện và xe được sơn lại vào năm 1949. Vào năm 1951 chiếc xe được làm mới và thay đổi lớp sơn.
Tại Triển lãm Ô tô Brussels năm 1952, Silver Ghost AX 201 xuất hiện trở lại, thu hút sự quan tâm đáng kể của những người hâm mộ. Tuy nhiên một sự cố đã xảy ra khi xe được kéo khỏi buổi trưng bày, khung xe đã bị gãy.
Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, AX 201 được sử dụng chủ yếu để trưng bày tại các đại lý, cũng như lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Rolls-Royce của Câu lạc bộ 20-Ghost vào năm 1954 và lễ kỷ niệm 50 năm đường đua Brooklands vào năm 1957. Vào tháng 10 năm 1961, chiếc AX 201 được trưng bày cùng chiếc “London to Edinburgh” khung gầm 1701 nổi tiếng.
Vào năm 1964, chiếc xe xuất hiện trong bộ phim Those Magnificent Men in Their Flying Machines (tạm dịch: Những người đàn ông vĩ đại và cổ máy bay của họ). Cũng năm đó, AX 201 cũng đóng một vai trò quan trọng tại Triển lãm Rolls-Royce và Bentley tại Goodwood.
Năm 1976, AX 201 có mặt tại Isle of Man để kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tourist Trophy. Từ tháng 10 năm 1976 đến tháng 1 năm 1977, AX 201 được trưng bày tại triển lãm Birth of a Legend tại Bảo tàng Mô tô Quốc gia.
Vào ngày 7 tháng 5 năm 1977, AX 201 được Nữ hoàng Elizabeth II sử dụng Lễ kỷ niệm 25 năm trị vì của bà. Từ lâu đài Windsor, đoàn xe chạy suốt chiều dài của Long Walk và sau đó đến Ascot Racecourse.
Vào năm 1979, tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Rolls-Royce, AX 201 xuất hiện tại Triển lãm Ô tô Geneva vào tháng 3 và các buổi trưng bày khác. Vào năm 1982, chiếc AX 201 đã 75 tuổi được sử dụng trong một cuộc chạy từ Glasgow đến Edinburgh, Leeds, Manchester và Crewe đến RAC ở London. Cuộc chạy được thực hiện trong điều kiện ẩm ướt nhưng không gặp bất cứ sự cố máy móc nào trong suốt 550 dặm (855 km). Đầu năm 1984, chiếc xe được đưa đến Úc trong khuôn khổ triển lãm xe máy của Melbourne. Năm 1986 chiếc xe được đưa đến Canada để trưng bày trong sự kiện của câu lạc bộ Rolls-Royce.
Vào ngày 24 tháng 7 năm 1987 khi Rolls-Royce Silver Ghost AX 201 đã chở Nữ hoàng và Công tước xứ Edinburgh đến thăm nhà máy ở Crewe. Điều này được xem là một niềm tự hào lớn của AX 201 và được các đài truyền hình quốc gia đưa tin.
Năm 1986, chiếc xe đến thăm Nhật Bản. Vào tháng 8 năm 1990, chiếc xe được trưng bày tại buổi từ thiện John O’Groats đến Land’s End. Vào năm 2008, chiếc Rolls-Royce Silver Ghost AX 201 được nhận định là chiếc Rolls-Royce cổ giá trị nhất thế giới, với giá trị bảo hiểm ước tính là 35 triệu đô la Mỹ.
Sau khi BMW mua lại Rolls-Royce vào năm 1998, chiếc xe đã thuộc quyền sở hữu của Bentley Motors. Sau đó vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, Bentley đã bán chiếc xe Rolls-Royce Silver Ghost AX 201 cùng với chiếc SU13 Rolls-Royce 10HP.
Mặc dù giá bán chính thức không được công bố, tuy nhiên nhiều thông tin cho biết, chiếc xe được bán cho một nhà sưu tập với giá 75 triệu USD. Với mức giá này, Silver Ghost AX 201 trở thành chiếc xe cổ đắt nhất thế giới. Ngoài ra, chiếc xe được cho là thuộc sở hữu của Sir Michael David Kadoorie, một tỷ phú người Hồng Kông sinh năm 1941.
2. Chiếc Rolls-Royce Silver Ghost 1701
Chiếc Rolls-Royce Silver Ghost 1701 là chiếc xe đã lập kỷ lục chạy tốc độ tại London – Edinburgh Trial vào năm 1911 và trở thành chiếc xe có hiệu suất cao và bền bỉ nhất thế giới vào thời điểm đó. Ngày nay, sau 110 năm, Rolls-Royce đã tái hiện lại quãng đường kỷ lục này để tôn vinh những giá trị lịch sử.
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 5 tháng 9 năm 2021, đoàn diễu hành Silver Ghost 1701 bắt đầu tại Câu lạc bộ Ô tô Hoàng gia đi đến Edinburgh. Mặc dù mặt đường ngày này tốt hơn nhiều so với năm 1911, tuy nhiên việc chiếc xe 110 tuổi vượt qua 800 dặm (1.287 km) mà không gặp bất cứ vấn đề nào là một điều đáng ngạc nhiên. Điều này chứng minh cho kỹ thuật vượt trội của Rolls-Royce.
Trong cuộc diễu hành này còn có sự góp mặt của 9 chiếc Rolls-Royce Silver Ghost lịch sử khác của các thành viên thuộc Câu lạc bộ 20-Ghost (câu lạc bộ xe hơi Rolls-Royce lâu đời nhất thế giới) và một chiếc Rolls-Royce Ghost hoàn toàn mới được sơn màu xám Tempest Grey.
Sau cuộc diễu hành, một cuộc chiêu đãi hoành tráng đã được tổ chức tại Rolls-Royce Motor Cars Edinburgh. Andrew Ball, Giám đốc quan hệ doanh nghiệp của Rolls-Royce Motor Cars, cho biết, “Thật bất ngờ khi một cỗ máy 110 vẫn hoạt động bền bỉ và không xảy ra bất cứ sự cố nào. Chiếc xe phi thường này là một sự tri ân đối với những người sáng lập Rolls-Royce và ngày nay, Rolls-Royce sẽ tiếp tục giữ vững giá trị thương hiệu, cũng như sản xuất những chiếc xe tốt nhất thế giới.”.
ArrayArray
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!