Rolls-Royce Silver Cloud III – Siêu Xe Cổ Đẹp Mê Mẩn

Rolls-Royce Silver Cloud III là mẫu xe cốt lõi trong các dòng sản phẩm của Rolls-Royce vào những năm 1960. Bên cạnh đó, mẫu xe này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nhận dạng thương hiệu cũng như bắt đầu thời đại mới cho những chiếc xe Rolls-Royce. Dưới đây, Thế giới Rolls-Royce xin chia sẻ một số thông tin cơ bản về mẫu xe này, khách hàng có thể tham khảo thêm.

Rolls-Royce Silver Cloud III – Xe sang cổ

Đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ và nhận thấy thời đại của động cơ 6 xy-lanh cũ sắp kết thúc, Rolls-Royce đã nhanh chóng ra mắt Rolls-Royce Silver Cloud III với động cơ V8, thiết kế thân nhôm mới và nội thất tiện nghi.

1. Thông tin cơ bản

Rolls-Royce Silver Cloud Series III được sản xuất từ ​​năm 1963 đến năm 1966 để thay thế cho Silver Cloud II trước đó. Những chiếc xe này được giới thiệu lần đầu vào tháng 10 năm 1962 cùng với Bentley S3 tại một buổi triển lãm ở Paris, Pháp.

Rolls-Royce Silver Cloud Series III
Rolls-Royce Silver Cloud Series III có thiết kế sửa đổi và cải tiến so với phiên bản tiền nhiệm

Những chiếc Silver Cloud III có kích thước bên ngoài được thay đổi một chút, rộng hơn nhưng ngắn hơn khi so với Silver Cloud II. Nội thất xe cũng được cải tiến và trọng lượng không tải giảm hơn 100 kg. Ngoài ra, xe được trang bị động cơ V8 hợp kim nhôm 6.230cc mới, mạnh mẽ hơn, và bộ chế hòa khí SU 2 inch.

Đã có hơn 2.044 chiếc sedan Silver Cloud III được xuất xưởng, trong đó phiên bản trục cơ sở kéo dài là 206 chiếc và có 328 phiên bản coupe, mui trần, limousine. Ngoài ra, có một số Silver Cloud III cũng được điều chỉnh để trở thành xe tang.

Một số thông tin cơ bản về Rolls-Royce Silver Cloud III:

Thời gian sản xuất 1963 – 1966
Số lượng được sản xuất 2.044
Phong cách xe Sedan 4 cửa và một số biến thể khác
Động cơ 6.2 lít (380 cu-in) V8 220 HP (ước tính)

2. Đánh giá thiết kế

Rolls-Royce Silver Cloud III được ra mắt vào năm 1962, có thiết kế bên ngoài được cải tiến so với phiên bản tiền nhiệm. Chiếc xe này có thể dễ dàng phân biệt với đèn pha kép được bọc trong một khung nhôm hình elip. Lưới tản nhiệt và nắp capo xe cũng được thiết kế thấp hơn một chút, khiến tổng thể xe hài hòa và năng động hơn.

Rolls-Royce Silver Cloud III
Silver Cloud III khác biệt với đèn pha kép, lưới tản nhiệt và nắp capo thấp hơn

Nội thất xe đã được tinh chỉnh và nâng cấp. Ghế trước được đánh giá là rộng hơn, thoải mái và êm ái hơn so với các phiên bản trước.

Các cải tiến hệ thống truyền đồng bao gồm trục khuỷu đã được làm cứng bằng nitride và tỷ số nén 9:1. Cải tiến này được cho là để khắc phục tình trạng hỏng trục khuỷu trong động cơ V8 của chiếc Silver Cloud II trước đó. Ngoài ra, chiếc xe đã được trang bị hộp số GM Hydramatic 4 cấp tự động.

Từ năm 1963 đến năm 1966, Silver Cloud III không có sự thay đổi lớn nào về thiết kế và cấu trúc xe. Tuy nhiên, các thay đổi nhỏ, chẳng hạn như bánh xe được làm từ thép không gỉ và được mạ chrome, cửa sổ sau được cải tiến và ghế trước được thiết kế phù hợp hơn. Khung đèn pha cũng được cải tiến và chữ lồng “RR” xuất hiện bên trong đèn xe với kích thước rất nhỏ.

Huy hiệu “Silver Cloud III” bằng font chữ nghiêng được khắc ở phía dưới cùng bên phải ở những chiếc xe được phân phối tại Vương Quốc Anh và Châu Âu. Trong khi đó, các phiên bản được phân phối tại Hoa Kỳ không có huy hiệu này.

Rolls-Royce Silver Shadow
Rolls-Royce Silver Cloud III với phong cách đèn pha nghiêng độc đáo

Tương tự như những chiếc xe khác thuộc Rolls-Royce, thân xe được cung cấp bởi những nhà đóng thân xe chuyên nghiệp. Trong đó một số phiên bản đáng chú ý là Fixed Head và Drop Head Coupe được tạo kiểu bởi Mulliner Park Ward. Những chiếc này có đèn pha nghiêng tượng tự như những chiếc xe hiệu suất cao được thiết kế theo phong cách Ý đương đại. Có khoảng 100 trong số 328 chiếc Silver Cloud III của Mulliner Park Ward được sản xuất theo phong cách này.

Ngoài ra, Rolls-Royce Silver Cloud III cũng được biết đến là mẫu Rolls-Royce phổ thông cuối cùng có khung gầm và thân được chế tạo riêng.

3. Những nhà đóng thân xe nổi tiếng

Theo truyền thống, Rolls-Royce chỉ sản xuất khung gầm và các bộ phận cơ khí. Trong khi đó, thân xe được chế tạo bởi một nhà sản xuất thân xe do khách hàng chỉ định.

HJ Mulliner là một nhà đóng thân xe nổi tiếng, thành lập vào năm 1897, có trụ sở đặt tại Tây London. HJ Mulliner là một nhà đóng thân xe phổ biến cho Rolls-Royce, nổi bật là chiếc Silver Ghost cá nhân của Charles Stewart Rolls.

Sau đó, Rolls-Royce đã mua lại Park Ward coachbuilders vào năm 1939 và hợp nhất với HJ Mulliner vào năm 1961 để tạo thành Mulliner Park Ward. Hiện tại, Mulliner là studio thiết kế riêng và độc quyền của Bentley.

Xe Roll Royce cổ giá
Silver Cloud III có thân xe được thiết kế bởi các nhà sản xuất thân xe danh tiếng khác nhau

Park Ward cũng là một nhà sản xuất thân xe của Anh, được thành lập vào năm 1919, có trụ sở đặt tại phía Bắc London. Park Ward đã bắt đầu chế tạo thân xe cho Rolls-Royce vào những năm 1930.

Ngoài ra, James Young LTD được xem là nhà sản xuất thân xe cho Silver Cloud III đáng chú ý nhất. James Young được thành lập vào năm 1863, sản xuất các thân xe cho Thành viên của Quốc hội cũng như các khách hàng cá nhân nổi tiếng và có địa vị cao trong xã hội.

4. Động cơ mạnh mẽ

Rolls-Royce Silver Cloud III được trang bị động cơ V8 dung tích 6.2 lít (380 cu-in) V8 ước tính sản sinh khoảng 220 mã lực đi kèm với hộp số tự động 4 cấp. Động cơ này giúp chiếc xe có thể tăng tốc từ 0 – 100 km/h chỉ trong 13 giây.

Ngoài ra, Silver Cloud III có trọng lượng nhẹ hơn đến 100 kg khi so với phiên bản tiền nhiệm. Do đó, về tổng thể Silver Cloud III năng động hơn, khả năng tăng tốc tốt hơn và hiệu suất cũng cao hơn một chút.

Giá bán Rolls-Royce Silver Cloud III

Trước khi Silver Cloud III ra đời, Rolls-Royce được xem là thương hiệu dành riêng cho quý tộc cũng như Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, Silver Cloud III mang đến cảm giác phổ thông hơn khi ngày càng nhiều người nổi tiếng yêu thích và lựa chọn mẫu xe này làm phương tiện di chuyển. Mặc dù tại thời điểm đó, giá xe Rolls-Royce tương đối đắt, tuy nhiên có thể nói Silver Cloud III đã khiến thương hiệu Rolls-Royce trở nên phổ biến hơn.

Rolls-Royce Silver Cloud III giá bao nhiêu
Tại thời điểm ra mắt, Silver Cloud III có giá bằng một căn nhà 12 phòng ngủ ở Anh

Tại thời điểm ra mắt, Silver Cloud III có giá khoảng 5.000 bảng Anh. Tuy nhiên vào thời điểm 1950 – 1960, tình hình lạm phát ở Anh tương đối lớn. Do đó các nhà đánh giá cho biết, với 5.000 bảng Anh có thể mua được một ngôi nhà 12 phòng ngủ ở Anh. Hay nói một cách khác, Silver Cloud III có giá rất đắt, mặc dù vậy doanh số xe vẫn được đánh giá là khá tốt.

Hiện tại, Silver Cloud III là một chiếc Rolls-Royce cổ nhận được nhiều sự ưa chuộng của giới sưu tập, với giá bán trung bình khoảng 100.000 USD, tùy thuộc vào tình trạng xe. Mặc dù giá bán tương đối cao, nhưng mẫu xe này vẫn nhận được nhiều sự ưu ái của khách hàng.

Rolls-Royce Silver Cloud III được xem là một tuyệt phẩm xinh đẹp nhất trong phân khúc ô tô hạng sang cổ. Những chiếc xe này được đánh giá là biểu tượng của địa vị sang trọng, tinh túy và được các ngôi sao điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng, quan chức nhà nước, hoàng gia gia ưa chuộng, chọn làm phương tiện di chuyển cá nhân.

Mẫu Xe cổ Rolls-Royce Silver Cloud III tại Việt Nam

Việt Nam từng ghi nhận nhiều mẫu Rolls-Royce cổ có giá trị cao, chẳng hạn như Rolls-Royce Silver Spirit ở Hà Nội hoặc Rolls-Royce Silver Cloud I màu xám đen của đại gia Nha Trang. Bên cạnh đó, trong nước cũng từng xuất hiện một chiếc Silver Cloud III đời 1963 với hai tone màu xanh đen và xanh da trời nổi bật.

Rolls-Royce Silver Cloud III ở sài gòn
Tại Thành phố Hồ Chí Minh từng ghi nhận một chiếc Rolls-Royce Silver Cloud III màu xanh lam đậm và xanh da trời

Theo một số tin tức về xe Rolls-Royce, chiếc Silver Cloud III ghi nhận tại Sài Gòn có số khung LSDW151 và số động cơ SW75D và được sản xuất vào năm 1963. Chiếc xe có ngoại thất hai tông màu nổi bật, tuy nhiên đây không phải là màu xe nguyên bản và được phục chế lại trong quá trình sử dụng.

Chiếc xe từng được trưng bày Gullwing MotorCars ở New York và năm 2017 với ngoại thất màu đen hoàn toàn. Sau đó, chiếc xe thuộc về một chủ sở hữu ở Washington DC, được mang đi bảo dưỡng tại EuroMotorcars ở Rockville, Maryland. Trong quá trình sử dụng, chủ xe đã quyết định đổi màu xe 2 tone màu xanh lam đậm và xanh da trời nhạt như hiện tại.

Rolls Royce silver Seraph
Các chi tiết nội thất vẫn được giữ nguyên bản với da cao cấp màu xanh sang trọng

Bên trong nội thất của chiếc xe vẫn được giữ nguyên bản với lớp da cao cấp màu xanh lam sang trọng. Các chi tiết ốp gỗ óc chó vẫn sáng bóng theo thời gian. Ngoài ra, thảm chân cũng được thêu số 1963, được cho là năm sản xuất ra chiếc xe.

Mặc dù được sản xuất vào năm 1963, đến nay đã hơn 60 năm tuổi, tuy nhiên chiếc xe vẫn được bảo quản cực kỳ tốt, các tem niêm phong vẫn còn nguyên vẹn, các chi tiết mạ chrome vẫn sáng bóng, tuy nhiên xe vẫn có một số vết xước nhẹ.

Hiện tại một chiếc Rolls-Royce Silver Cloud III có giá khoảng 100.000 đô la, tuy nhiên khi nhập về Việt Nam, giá bán có thể cao hơn 2, 3 lần. Mặc dù không rõ chiếc Silver Cloud III được nhìn thấy ở Sài Gòn có giá bao nhiêu và chủ sở hữu là ai, tuy nhiên về mặt giá trị thương mại và giá trị sưu tầm, thì chiếc xe này được xem là cả một gia tài.

Ngoài ra, trước đây tại Việt Nam cũng từng ghi nhận một chiếc Rolls-Royce Silver Cloud I tại Nha Trang. Bên cạnh đó, có thông tin một chiếc Rolls-Royce Silver Cloud II đang trên đường về nước. Điều này có thể chứng minh sức hút vượt thời gian của dòng xe Rolls-Royce Silver Cloud đối với giới đam mê xe cổ tại Việt Nam.

Ra mắt vào năm 1962, sử dụng động cơ V8 dung tích 6.2 lít đi kèm với hộp số bốn tốc độ tự động GM, Rolls-Royce Silver Cloud III nhanh chóng nhận được sự ưa chuộng của khách hàng và thu hút sự chú ý của giới đam mê xe. Ngày này, Silver Cloud III là một trong những chiếc Rolls-Royce cổ được ưa chuộng và có giá trị sưu tầm cao.

ArrayArray

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *